Trong lĩnh vực ngân hàng, ngày đáo hạn là một thuật ngữ phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Đặc biệt, các bạn thường nhầm lẫn giữa ngày đáo hạn và đáo hạn ngân hàng. Thực tế, ý nghĩa của 2 thuật ngữ này hoàn toàn khác nhau. Hãy theo dõi bài viết sau của Ngân hàng số Timo để hiểu rõ hơn về những khái niệm này. Xem ngay!
>> Xem thêm: Các hình thức vay ngân hàng
Ngày đáo hạn là gì?
Ngày đáo hạn (Maturity date) là ngày cuối cùng để thanh toán khoản vay (hoặc khoản nợ) hoặc các hợp đồng tài chính khác như tiền gửi có kỳ hạn hoặc trái phiếu. Tại ngày này, toàn bộ số tiền gốc kèm theo tất cả các khoản lãi còn tồn tại đến hạn trả.
Cụ thể, nếu bạn vay tiền từ ngân hàng, ngày đáo hạn sẽ là ngày cuối cùng bạn phải trả lại số tiền vay cùng với lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng vay. Trường hợp của các tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư, ngày đáo hạn sẽ là ngày bạn có thể rút toàn bộ số tiền đã gửi vào tài khoản đó cùng với lãi suất tích lũy (nếu có) từ thời điểm gửi tiền.
Ví dụ về đáo hạn khoản vay:
Khách hàng A đã vay số tiền 2 tỷ đồng từ ngân hàng B với thời hạn vay là 1 năm và lãi suất 8%/năm. Hợp đồng ghi rõ ngày bắt đầu vay là ngày 1/1/2023 và ngày đáo hạn là ngày 1/1/2024.
Ví dụ về đáo hạn tài khoản tiết kiệm:
Khách hàng A mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng B vào ngày 1/1/2023 với kỳ hạn là 1 năm, do đó ngày 1/1/2024 sẽ là ngày đáo hạn của sổ tiết kiệm.
Đáo hạn ngân hàng là gì?
Đáo hạn ngân hàng là hình thức gia hạn thêm thời gian vay của khách hàng đối với ngân hàng. Hoặc còn có thể hiểu là hình thức tái vốn vay khi đã hết hạn vay cũ nhưng chưa thể trả hết nợ. Bằng hình thức này người đi vay có thể gia hạn thêm được thời gian vay vốn của mình đối với ngân hàng để thuận tiện hơn trong việc làm ăn, kinh doanh.
Có một số ngân hàng lại sử dụng thuật ngữ đáo nợ ngân hàng để thay thế. Các chuyên gia nhận định rằng, hành động đáo hạn ngân hàng thực chất là hành vi xấu. Qua hành vi này, những nợ xấu (chưa có khả năng chi trả khi hết hạn vay mượn) được che dấu.
Thông thường khi đến thời hạn phải thanh toán gốc lẫn lãi cho những khoản vay mà khách hàng chưa thanh toán được thì phải thực hiện đáo hạn. Khách hàng có thể chọn lựa các hình thức đáo hạn ngân hàng phù hợp với tình hình của mình. Như:
- Đáo hạn tại chỗ
- Đáo hạn chuyên vùng
- Vay bên ngoài chuyển vào ngân hàng
Như vậy, dù bạn vay theo hình thức nào: vay thấu chi tín chấp, vay tín chấp, vay thế chấp đều có thể thực hiện yêu cầu đáo hạn khi đến hạn thanh toán khoản vay với ngân hàng.
Các ngày đáo hạn phổ biến trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng
Có nhiều hình thức đáo hạn phổ biến trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, sau đây là một số ngày đáo hạn phổ biến:
- Đáo hạn của khoản vay cá nhân: Đối với các khoản vay cá nhân, như vay mua ô tô, mua nhà hoặc vay tiêu dùng, ngày đáo hạn sẽ là ngày cuối cùng bạn phải hoàn tất việc trả toàn bộ số tiền vay cùng với lãi suất theo thỏa thuận.
- Đáo hạn của tài khoản tiết kiệm: Khi mở một tài khoản tiết kiệm với ngân hàng, bạn thường sẽ chọn một kỳ hạn nhất định, chẳng hạn như 1, 3, 6 tháng hoặc 1 năm. Ngày đáo hạn của tài khoản tiết kiệm sẽ là ngày cuối cùng bạn có thể rút toàn bộ số tiền đã gửi cùng với lãi suất tích lũy.
- Đáo hạn của trái phiếu: Trái phiếu là một loại chứng khoán phổ biến, và ngày đáo hạn là ngày kết thúc của thời hạn trái phiếu. Tại ngày này, công ty phát hành trái phiếu sẽ trả lại vốn gốc và lãi cho nhà đầu tư.
- Đáo hạn của hợp đồng tín dụng hoặc thẻ tín dụng: Đối với hợp đồng tín dụng hoặc thẻ tín dụng, ngày đáo hạn là ngày cuối cùng bạn phải thanh toán số tiền đang nợ trong thời gian nhất định.
- Đáo hạn của các sản phẩm đầu tư: Trong lĩnh vực đầu tư, các sản phẩm như chứng khoán, quỹ đầu tư, hay các hợp đồng tương lai cũng có thể có ngày đáo hạn riêng, tùy thuộc vào loại sản phẩm và điều khoản cụ thể.
Ngày đáo hạn là một yếu tố quan trọng trong các giao dịch tài chính, và việc đảm bảo thanh toán hoặc rút tiền đúng ngày là rất quan trọng để tránh các hậu quả như phạt, phạt lãi suất, hoặc mất điểm tín dụng. Do đó, việc nắm vững thông tin về ngày đáo hạn trong mỗi hợp đồng và giao dịch tài chính là điều cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính cá nhân hoặc doanh nghiệp.
Câu hỏi thường gặp về ngày đáo hạn
Nếu ngày đáo hạn trùng ngày cuối tuần hay lễ Tết thì như thế nào?
Nếu ngày đáo hạn rơi vào ngày cuối tuần (thứ Bảy hoặc Chủ Nhật) hay ngày lễ Tết, ngân hàng và các cơ quan tài chính thường không làm việc. Trong trường hợp này, thủ tục đáo hạn sẽ được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.
Đến ngày đáo hạn sổ tiết kiệm nhưng không rút thì như thế nào?
Khi khách hàng không rút tiền từ sổ tiết kiệm khi đến ngày đáo hạn thì ngân hàng sẽ tự động gia hạn. Trong trường hợp này, số tiền gốc và lãi suất tích lũy từ sổ tiết kiệm cũ sẽ tự động chuyển sang một sổ tiết kiệm mới với cùng kỳ hạn và lãi suất hiện hành.
>> Tham khảo chi tiết: Gửi tiết kiệm đến hạn không rút có sao không?
Những điều cần biết về ngày đáo hạn ngân hàng
Tuy việc đáo hạn ngân hàng là điều những người đi vay ngân hàng không mong muốn xảy ra. Nhưng nếu chẳng may rơi phải trường hợp này thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Chỉ cần bạn nắm rõ những điều cần lưu ý về đáo hạn ngân hàng là có thể an tâm thực hiện:
- Lựa chọn hình thức đáo hạn ngân hàng phù hợp vì không phải hình thức nào cũng phù hợp với điều kiện cũng như hoàn cảnh của bạn cả.
- Tùy từng đơn vị ngân hàng khác nhau sẽ yêu cầu những hồ sơ và giấy tờ để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng khác nhau. Vì vậy, bạn nên hỏi kỹ thông tin với ngân hàng trước khi thực hiện.
- Vì phải chuẩn bị tiền để hoàn tất thủ tục đáo hạn mà nhiều khách hàng bị mắc bẫy tín dụng đen với lãi suất cao ngất ngưỡng. Cho nên khách hàng cũng nên lưu ý khoản này.
- Tuy ngân hàng vẫn cung cấp dịch vụ đáo hạn khoản vay nhưng bên cạnh đó cũng có khá nhiều dịch vụ “ăn theo” nở rộ. Vì vậy, để đảm bảo có thể thực hiện được việc đáo hạn ngân hàng nhanh chóng và chuẩn xác thì lời khuyên thiết thực cho khách hàng là phải và nên tìm đến dịch vụ uy tín để thực hiện nhằm tránh khỏi tình trạng “tiền mất tật mang” như nhiều khách hàng đã vướng phải.
Tuy dịch vụ đáo hạn ngân hàng có thể “cứu” khách hàng trong những thời điểm khó khăn khi phải thực hiện thanh toán nợ nần với ngân hàng. Tuy nhiên, như đã nói, đây là hành vi xấu không nên quá lạm dụng. Vì vậy, bản thân người sử dụng dịch vụ đáo hạn ngân hàng cần xem xét lại và khi sử dụng thì phải thận trọng để mang lại kết quả tốt nhất.